Tình huống mặt trận Chiến_dịch_tấn_công_Uman–Botoşani

Tập đoàn quân 8 (Đức) vốn là một tập đoàn quân mạnh, thực thi nhiệm vụ phòng ngự chiến lược ở Trung - Tây Ukraina cuối năm 1943, đầu năm 1944. Nhưng sau Chiến dịch Korsun-Shevchenkovsky, thế và lực của Tập đoàn quân này đã suy yếu đáng kể. Chưa tính đến hơn 47.000 quân bị loại khỏi vòng chiến bên trong "cái chảo" Korsun-Shevchenkovsky, việc Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) lấy đi của họ 3 sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn cơ giới để tăng cường cho Tập đoàn quân xe tăng 1 đã làm cho Tập đoàn quân 8 không còn duy trì được sức chống cự mạnh như trong chiến dịch Kirovograd.[14] Từ Gaisin qua Uman đến Rovnoye, những cứ điểm phòng ngự từ xa của Tập đoàn quân 8 (Đức) bên tả ngạn sông Nan Bug, binh lực đã mỏng đi rất nhiều. Trên nhiều địa đoạn rộng hàng chục km chỉ có một sư đoàn bộ binh trấn giữ.[15] Trong khi đó, những con đường sắt từ Pervomaisk đi Mala Viska ở phía Nam và Ladyzhin đi Talnoye ở phía Bắc rất quan trọng trong việc tiếp tế cho các cụm chốt phòng thủ từ xa luôn bị các đội du kích và không quân Liên Xô đánh phá.[16]

Quân đội Liên Xô tuy có bị thiệt hại trong cuộc hợp vây tại Korsun-Shevchenkovsky nhưng đã phục hồi nhanh chóng nhờ các nguồn tăng viện từ hậu phương của họ. Việc tiếp nhận Tập đoàn quân xe tăng 2 trong quá trình chiến dịch Korsun-Shevchenkovsky đã làm cho Phương diện quân Ukraina 2 trở thành phương diện quân có sức đột kích mạnh với 3 tập đoàn quân xe tăng, tương đương với "người láng giềng" là Phương diện quân Ukraina 1 bên cánh phải của họ. Do được bổ sung kịp thời về quân số và trang bị, Phương diện quân này vẫn chiếm ưu thế hơn Tập đoàn quân 8 (Đức) 1,5:1 về người, 1,3:1 về xe tăng và pháo tự hành, 2,5:1 về pháo binh và hơn 10% về không quân. Tuy ưu thế này chưa đủ để tổ chức tấn công áp đảo nhưng vẫn bảo đảm đột phá nhanh vào Tập đoàn quân 8 (Đức) ở những địa đoạn quan trọng với những "cửa mở tự nhiên" do các chi lưu của các sông Nam Bug, Dniestr tạo ra và do việc bố trí tập trung binh lực trên hướng tấn công chính.[3]

Địa hình khu vực bị các con sông Nam Bug, Dniestr và Prut chia cắt theo hướng Tây Bắc, Đông Nam, cự ly trung bình từ 80 đến trên 100 km. Trong đó, sông Nam Bug có chiều rộng từ 90 đến 120 m, sâu trung bình 4 m; sông Dniestr lớn thứ hai Ukraina, vừa là đường biên giới tự nhiên giữa Ukraina và Moldova, vừa là thủy lộ quan trọng của miền Tây Nam Ukraina, có độ sâu trung bình khoảng 5 m ở trung lưu, chiều rộng từ 230 m về mùa khô đến hơn 350 m về mùa mưa. Sông Prut, biên giới thiên nhiên giữa Romania và Liên Xô (1940) có chiều rộng trung bình không lớn nhưng ở thượng nguồn dòng có dòng chảy xiết và sâu. Các con sông này đều được các kế hoạch tấn công và phòng thủ hai bên xem xét sử dụng địa thế cũng như khắc phục chúng.

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Hội đồng quân sự của các Phương diện quân và Tập đoàn quân bày tỏ nhiều lo ngại về khả năng cơ động của các quân binh chủng trong tình hình bùn đất lầy lội đặc trưng của mùa xuân nước Nga (được gọi là rasputitsa). Tình hình thời tiết không khả quan và việc mở nhiều trận đánh vượt sông có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cơ động chiến dịch của xe tăng, cơ giới và pháo binh.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Uman–Botoşani http://www.scribd.com/francis_ouseph/d/51414529-We... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://9may.ru/17.04.1944/inform/m4465 http://militera.lib.ru/h/davtyan/04.html http://militera.lib.ru/h/dorogami_pobed/08.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/03.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/05.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/app.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/15.html http://militera.lib.ru/h/sb_crusade_in_rossia/03.h...